Sau chiến tranh Không_kích_Doolittle

Cựu chiến binh Lục quân thời Thế Chiến II George A. McCalpin (phải) đang trao đổi với Trung tá Richard E. Cole (ngồi) về người cháu họ của mình là một thành viên Raider, Trung sĩ William 'Billy Jack' Dieter, trong buổi họp mặt lần thứ 66 tổ chức tại Trường Đại học Texas ở Dallas vào tháng 4 năm 2008.

Các thành viên của cuộc không kích Doolittle (gọi là những Raider) tổ chức một cuộc họp mặt hội ngộ hằng năm bắt đầu vào cuối những năm 1940. Cao trào của buổi hội ngộ là một nghi lễ trang trọng và riêng tư, nơi những Raider còn sống được gọi tên, rồi cùng nhau nâng cốc tưởng nhớ những đồng đội Raider đã qua đời những năm trước đó. Những chiếc ly bạc được khắc đặc biệt, mỗi chiếc dành cho từng người trong số 80 Raider, được sử dụng cho cuộc nâng ly này. Ly của những người đã qua đời được úp lại. Để mỗi thành viên có thể được nhận biết là còn sống hay đã qua đời, tên của họ được khắc hai lần trên ly bạc, ở mặt ngửa và mặt úp. Khi chỉ còn lại có hai Raider, họ sẽ cùng nhau uống lần cuối cùng chai rượu cognac Hennessy sản xuất năm 1896 vốn đã đi kèm theo những chiếc ly bạc trong mỗi cuộc họp mặt Raider kể từ năm 1960. Đời rượu này được chọn vì đó chính là năm sinh của Jimmy Doolittle. Chai cognac và các ly bạc được giữ tại Học viện Không quân Hoa Kỳ để được trưng bày tại Sảnh Arnold, trung tâm xã hội của học viên mới. Từ ngày 19 tháng 4 năm 2006, địa điểm lưu niệm được chuyển đến Bảo tàng Quốc gia Không quân Hoa Kỳ.[38]

Cho đến tháng 6 năm 2010, có bảy thành viên Raider còn sống.[39][40] Chỉ có tám người có thể tham dự cuộc họp mặt lần thứ 64 tại Dayton, Ohio, vào tháng 4 năm 2006; bảy người tham gia lần thứ 65 năm 2007 tại San Antonio, Texas; sáu người tham gia lần thứ 66 năm 2008 tại Dallas, Texas; và bốn người tham dự lần thứ 67 năm 2009 tại Columbia, Nam Carolina. Các Raider tổ chức lần gặp gỡ thứ 68 của họ tại Bảo tàng Quốc gia Không quân Hoa Kỳ tại Dayton, Ohio; chỉ có Cole, Griffin, Hite và Thatcher là những người còn đủ khỏe để tham dự.[41]

Có thêm bảy người khác, như là Đại úy Miller và Đại tá Carroll V. Glines, sử gia chuyên về các Raider, được xem là những thành viên danh dự do những nỗ lực đáng trân trọng của họ cho nhiệm vụ này.[42]

Những người còn sống

Tính đến tháng 1 năm 2011, những Raider còn sống bao gồm:

  • Đại tá Richard E. Cole, phi công phụ chiếc số #1
  • Thiếu tá Thomas C. Griffin, hoa tiêu chiếc số #9
  • Trung tá Robert L. Hite, phi công phụ chiếc số #16
  • Thiếu tá Edward Joseph Saylor, thợ máy chiếc số #15
  • Trung sĩ David J. Thatcher, xạ thủ chiếc số #7

Đến tháng 1 năm 2011, vẫn còn 5 Raider còn sống.[39][43][44] Phi công tham gia cuộc không kích còn sống cuối cùng là Bill Bower, mất ngày 10 tháng 1 năm 2011 ở tuổi 93 tại Boulder, Colorado.[45]

Di sản

Hải quân Hoa Kỳ đã đặt tên cho một trong những tàu sân bay thuộc lớp Essex của họ cái tên địa danh tưởng tượng USS Shangri-La (CV-38), có liên hệ rõ ràng đến cuộc Không kích Doolittle. Tổng thống Franklin D. Roosevelt khi trả lời câu hỏi của một nhà báo đã nói rằng cuộc không kích xuất phát từ "Shangri-La", tên đặt cho một xứ sở tưởng tượng vô cùng hạnh phúc có sự trường sinh bất tử trong dãy núi HimalayaJames Hilton nói đến trong cuốn tiểu thuyết Lost Horizon.[46][47]

Trưng bày Không kích Doolittle

Gian trưng bày Không kích Doolittle tại Bảo tàng Quốc gia Không quân Hoa Kỳ. Tấm vải bạt che động cơ nhằm giấu đi điểm khác biệt về ống xả của động cơ trên phiên bản 'D' vốn khác với phiên bản 'B' được sử dụng trong cuộc không kích.

Gian trưng bày rộng rãi nhằm ghi nhớ cuộc Không kích Doolittle ấn tượng nhất có thể thấy tại Bảo tàng Quốc gia Không quân Hoa Kỳ tại Căn cứ Không quân Wright-PattersonDayton, Ohio. Tâm điểm của cuộc trưng bày này là một chiếc B-25 hầu như mới, được sơn và vẽ ký hiệu như là chiếc máy bay của Doolittle (cho dù đây chỉ là phiên bản trinh sát hình ảnh F-10D của kiểu B-25D). Chiếc máy bay ném bom, được hãng North American Aviation trao tặng cho các Raider vào năm 1958, được trưng bày trên phông nền mô phỏng lại sàn đáp của tàu sân bay USS Hornet; được làm như thật với những hình sáp mặc quần áo chung quanh chiếc máy bay, bao gồm chính Doolittle, Đại tá Hải quân Marc Mitscher, thuyền trưởng USS Hornet, cùng các nhân viên kỹ thuật Lục quân và Hải quân đang nạp bom đạn cho chiếc máy bay. Tại đây còn trưng bày các ly bạc mà các Raider sử dụng trong mỗi lần họp mặt hàng năm; các mảnh quần áo bay cùng các vật dụng cá nhân, một chiếc dù mà một Raider đã dùng khi nhảy dù tại Trung Quốc; cùng ảnh chụp nhóm của toàn thể 16 đội bay. Nhiều hiện vật lý thú khác cũng có trong bộ sưu tập này.

Những chiếc ly bạc của các Raider

Một mảnh vỡ của một trong những chiếc máy bay bị rơi cùng những huy chương trao tặng cho Doolittle được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Hàng không và Không gian Smithsonian tại Washington, D.C.

Bảo tàng Hàng không Thái Bình Dương vừa mới được mở trên đảo Ford, Oahu, Hawaii có một gian triển lãm năm 1942, mà trung tâm là một chiếc B-25 được phục chế, mang ký hiệu của chiếc "The Ruptured Duck" từng được sử dụng trong cuộc không kích Doolittle.[48]

Bảo tàng của Commemorative Air Force tại San Marcos, Texas trưng bày tấm giáp bảo vệ ghế ngồi của phi công trên chiếc B-25 mà Doolittle bay trong cuộc không kích.

Tái hiện cuộc Không kích Doolittle

Chiếc B-25 "Heavenly Body" được phục chế thời Thế Chiến II đang cất cánh từ sàn đáp của tàu sân bay USS Ranger

Ngày 21 tháng 4 năm 1992, hòa cùng với các lễ hội khác nhằm kỷ niệm 50 năm Chiến tranh Thế giới thứ hai, tàu sân bay Ranger đã tham gia tái hiện nhằm tưởng niệm cuộc Không kích Doolittle xuống Tokyo, Nhật Bản.

Hai máy bay ném bom B-25 thời Thế Chiến II đã được cho chất lên tàu cùng với hơn 1.500 vị khách, cùng các phương tiện truyền thông đất nước và thế giới, để chứng kiến hai chiếc máy bay cũ lăn bánh và cất cánh khỏi sàn đáp của chiếc Ranger.